Dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp (DN) trên cả nước gặp khó khăn, đình đốn. Nhiều DN còn bị Hải quan liên tiếp tham vấn triển khai chính sách thuế chưa chuẩn, thậm chí bị truy thu hàng chục tỷ đồng. DN phải khiếu nại lên các bộ và Chính phủ.
Từng bị truy thu 36 tỷ nay lại bị truy thu tiếp
Gần đây, hàng loạt DN phải kêu cứu lên Bộ Tài chính, thậm chí cả Chính phủ về việc Hải quan tiền - hậu bất nhất trong thu thuế. Các DN này chủ yếu bị truy thu thuế đối với hàng hóa mà DN được chế xuất gia công.
Ngày 31/8, Bộ Tài chính gửi giấy mời tới Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách Thuế, Vụ Pháp chế để họp vào đầu tháng 9 nhằm giải quyết vướng mắc của Cty TNHH Quốc tế Chutex (Chutex, trụ sở ở Bình Dương). Đây là DN 100% vốn đầu tư từ Đài Loan được thành lập tại Bình Dương vào năm 2000, với tổng số lao động khoảng 6.500 công nhân. Chutex chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu (XK) cho những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Công ty này nhập khẩu (NK) hàng hóa theo loại hình gia công, sau đó giao toàn bộ nguyên liệu cho Cty Sinwah (DN chế xuất, nằm trong khu phi thuế quan) để gia công lại. Chutex nhận lại sản phẩm sau gia công để XK.
Cty Chutex viện dẫn Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định 134/2016/NĐ-CP, cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cho rằng, sản phẩm đặt gia công tại DN chế xuất khi NK trở lại nội địa không phải nộp thuế NK nếu công ty không sử dụng nguyên vật liệu của DN chế xuất. Toàn bộ các tờ khai hải quan công ty này NK sản phẩm và đặt gia công tại DN chế xuất (loại hình E41) đều không kê khai thuế NK và thuế giá trị gia tăng (VAT), đã được Hải quan kiểm tra, duyệt thông quan bình thường theo quy định.
Thế nhưng, liên tiếp sau đó, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần (thuộc Cục
Hải quan Bình Dương), nơi DN làm thủ tục hải quan đã gửi 2 văn bản yêu cầu Chutex phải rà soát, đối chiếu số liệu các tờ khai NK sản phẩm gia công từ DN chế xuất để thực hiện việc ấn định truy thu thuế NK và thuế VAT trên trị giá hàng hóa gia công.
Phía Hải quan viện dẫn Nghị định 134 cho rằng: “Sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài khi NK trở lại Việt Nam được miễn thuế NK đối với phần trị giá của nguyên vật liệu, linh kiện XK cấu thành sản phẩm gia công, song phải chịu thuế đối với phần trị giá còn lại của sản phẩm theo mức thuế suất thuế NK của sản phẩm gia công NK”.
Cho rằng Hải quan Sóng Thần, Cục Hải quan Bình Dương đã hiểu và làm không đúng quy định, việc ấn định thuế và xử phạt DN trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng, Chutex đã gửi công văn kiến nghị Bộ Tài chính, Vụ Chính sách Thuế, Tổng cục Hải quan.
Hiện tại, chưa có thông tin chính thức về số tiền Chutex bị truy thu thuế song việc Bộ Tài chính yêu cầu các bên họp gấp chứng tỏ số tiền này cũng không hề nhỏ.
Đáng chú ý, cuối tháng 8/2011, Cục Hải quan Bình Dương từng ban hành quyết định ấn định thuế, truy thu đối với Chutex số tiền lên gần 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN này đã khiếu nại liên tiếp lên các cấp cao hơn. Sau đó, Tổng cục Hải quan đã phải điều chuyển công tác một lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương.
Bất ngờ bị truy thu thuế
Cũng tại Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần, mới đây Cty TNHH Pung Kook Sài Gòn II (Pung Kook II) đã gửi đơn cầu cứu lên Chính phủ.
Cụ thể, Pung Kook II là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, được thành lập theo giấy chứng nhận đầu tư cấp lần đầu tháng 7/2001, thay đổi lần 9 vào tháng 5/2015. Ngành nghề kinh doanh là gia công, XK các loại ba lô, túi xách, va ly…
Từ tháng 11/2014, công ty này NK nguyên vật liệu từ nước ngoài, đã nộp 2 loại thuế NK và thuế VAT, rồi giao toàn bộ cho đối tác là Cty TNHH Pung Pook Sài Gòn (DN chế xuất nằm trong Khu chế xuất Tân Thuận - khu phi thuế quan, quận 7, TP.HCM) để sản xuất thành phẩm. Sau đó, Pung Pook II nhập trở lại thành phẩm trên để kiểm tra chất lượng, dán nhãn sản phẩm, đóng gói bao bì và làm thủ tục hải quan XK cho đối tác nước ngoài.
Sau khi XK, Pung Kook II đã đề nghị hoàn thuế NK tính trên phí gia công với Chi cục Hải quan KCN Sóng Thần (Bình Dương), nơi DN làm thủ tục XNK.
Tháng 2/2017, Cục Hải quan Bình Dương có văn bản 277 do Phó Cục trưởng Nguyễn Trường Giang ký nêu rõ: “Căn cứ Nghị định 134/2016/NĐ-CP dành cho cá nhân, DN nộp thuế NK đối với hàng hóa NK để sản xuất kinh doanh, nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa XK và đã XK sản phẩm ra nước ngoài được hoàn thuế NK đã nộp”.
Theo báo cáo của Pung Pook II, từ tháng 11/2014 đến tháng 9/2016, DN đã được hoàn thuế hơn 3,6 tỷ đồng và một số khoản khu khác từ ngân sách nhà nước. Đang được hoàn thuế, thậm chí có giai đoạn được miễn thuế (năm 2018), tháng 8/2019 DN này bất ngờ nhận được liên tiếp 2 quyết định của Cục Hải quan Bình Dương về việc truy thu thuế và xử phạt với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Không đồng ý với quyết định trên, Pung Kook II đã gửi nhiều văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Tháng 5/2020, Tổng cục Hải quan ra văn bản 3018/TCHQ-TXNK gửi Cục Hải quan Bình Dương, nhấn mạnh việc hoàn thuế trước đây của cục này cho DN trên là sai quy định và phải truy thu số thuế 31 tỷ đồng.
Đối với trường hợp của Cty Chutex, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Cục Hải quan Bình Dương căn cứ văn bản 3018 để giải quyết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng Cục phó Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho hay, theo Điều 22 Nghị định 134/2016, 2 DN trên (Chutex, Pung Pook II) được miễn thuế NK với nguyên vật liệu NK vào để gia công. Tuy nhiên, sau khi NK xong, DN lại thuê 1 công ty trong khu phi thuế quan sản xuất thành phẩm, nhận thành phẩm trở lại. Do đó, 2 DN trên phải đóng thuế NK theo mức thuế suất NK của sản phẩm gia công và thuế VAT đối với phần giá trị tăng thêm (phí gia công) theo quy định.
Ông Tưởng cho biết, đây không phải là trường hợp lần đầu, mà đã xảy ra với rất nhiều DN ở các KCN, khu chế xuất khác trên cả nước, chủ yếu do DN chưa nắm rõ luật, chưa cập nhật quy định mới.
Đang khó khăn vì dịch COVID-19, lại phải đảm bảo ổn định công việc cho hàng nghìn lao động, nay bị truy thu số thuế quá lớn, nguy cơ đóng cửa nên mới đây, cả Pung Kook II và Chutex đã gửi kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính. Theo đại diện công ty, nếu Hải quan Bình Dương không có phương án giải quyết hợp tình hợp lý, DN buộc phải khởi kiện ra tòa.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một chuyên gia về thuế XNK cho rằng, rất có thể sau khi luật Thuế XNK có hiệu lực ngày 1/9/2016, nhiều vấn đề ngành Hải quan không thể rà soát được ngay. Do đó, truy thu thuế theo quy định của pháp luật lẽ ra phải được tiến hành ngay trong giai đoạn 2011-2016. Tuy nhiên, cũng có thể vì thế mà Hải quan nhiều địa phương chưa cập nhật được, đến năm 2018, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan mới “nhắc nhở” phải truy thu. Do đó, những rủi ro DN gặp phải không chỉ đến từ chính sách, mà còn đến từ việc thực thi chính sách theo cách khác nhau của các cơ quan hữu quan. Chưa kể, vừa qua nguồn thu ngân sách của Hải quan cũng khó khăn vì COVID-19 nên xảy ra nhiều khiếu nại của DN trong việc liên tục bị Hải quan tham vấn thuế.